GÁNH CON, MẸ GÁNH CẢ CUỘC ĐỜI
- Mẹ ơi, sao con chim lại bay được ạ?
- Tại sao bầu trời lại xanh vậy mẹ?
Con Nụ vẫn hay ngô nghê hỏi mẹ như thế mỗi khi nó ngồi trong quang gánh theo mẹ đến chợ vào những ngày khi nó còn rất bé.
Làng nó nghèo lắm, mẹ nó cũng như nhiều người phụ nữ trong vùng đều chỉ loanh quanh trồng mớ rau, nuôi dăm ba con gà, thả vài con cá dưới ao rồi đem ra chợ bán mong đổi lấy miếng cơm manh áo sống qua ngày.
Nó được sinh ra vào một chiều mùa đông lạnh buốt. Nghe Dì Ba kể lại ngày mẹ sinh nó, bà nội thấp thỏm đứng đợi bên ngoài cho đến khi bà mụ ôm nó ra và báo “Mợ vừa sinh con gái ạ”...thì bà nội nó bỏ đi ngay về nhà chẳng thèm nhìn lấy mặt nó một lần.
Ba nó là cháu đích tôn trong dòng họ, nên khi hay tin mẹ nó mang thai, ông bà nội đặt bao nhiêu hy vọng rằng mẹ nó sẽ sớm sinh ra một thằng bé kháu khỉnh để nối dõi gia tộc. Nên khi nó ra đời, mọi hy vọng ấy bỗng chốc vỡ vụn và mẹ con nó bắt đầu nhận lấy sự ghẻ lạnh của nhà nội.
Ba nó thương mẹ nó, bởi bà hiền lành và dịu dàng có tiếng trong làng. Ông cũng chỉ buông một tiếng thở dài vào ngày nó được sinh ra rồi vẫn cùng mẹ chăm sóc nó. Thế nhưng cái đói nghèo cùng sự áp lực “nối dõi tông đường” bên nhà nội cũng khiến ông buông tay hai mẹ con để cưới một cô gái trẻ khác; bởi sau hai năm trời kể từ khi nó sinh ra, mẹ chẳng thể mang thai thêm lần nữa.
Từ ngày đó, nó bắt đầu theo mẹ đến chợ từ những buổi sớm mai, khi sương sớm còn chưa tan hết, khi con gà còn chưa kịp cất tiếng gáy chào một ngày mới. Mẹ thường đặt vào một bên quang gánh khi thì mớ rau củ hái được trong vườn như vài bó bồ ngót, dăm ba trái cà hay một nhúm mồng tơi; có khi lượm được vài ba quả trứng gà mới đẻ, mẹ cũng mang đi bán nốt. Còn quang gánh bên kia, mẹ lót một miếng vải bông thật êm rồi đặt nó vào.
Nó theo mẹ trên chiếc quang gánh cũ, lắc lư theo từng bước chân của bà trên khắp con đường làng, băng qua những ngọn đồi vắng, vượt qua bao bờ đê nho nhỏ để kịp đến khu chợ làng vào mỗi sớm mai.
Chợ làng nó nằm dưới một gốc cây đa, có vài ba cái lều tranh dựng tạm để mọi người mang đồ đến bán. Dù ngày mưa hay ngày nắng, chợ vẫn mở và vẫn tấp nập kẻ bán người mua. Ai có gì thì bán nấy, có khi lại đổi cho nhau mớ rau củ lấy lon gạo, túi khoai. Cái nếp sống bình dị ấy đã ăn sâu vào những con người quê nó, cũng in sâu vào kí ức nó những năm tháng cùng mẹ bán buôn ngoài chợ.
Những hôm nào mẹ bán được hàng, quang gánh trước của mẹ sẽ mang về thêm vài ba lon gạo, một lon sữa bò cho nó; còn nó ngồi ở quang gánh sau nghêu ngao những câu hát vô nghĩa của trẻ con để thể hiện niềm vui sướng tột cùng khi có được bịch gạo nổ tẩm đường hay những chiếc tò he xanh đỏ hình con chim con thỏ mẹ mới mua cho.
Có những ngày trở trời, gió mùa bất chợt ùa về khiến chợ vắng hẳn. Hai mẹ con ngồi ôm nhau đến tàn chợ nhưng rổ rau của mẹ vẫn còn đầy. Hai mẹ con nó lại lủi thủi gánh nhau trở về trước khi trời kịp đổ cơn mưa.
Bước chân của mẹ cùng tiếng cười lảnh lót và những câu hỏi ngô nghê của nó in đậm trên các con đường làng qua bao năm tháng. Khi đã lớn hơn một chút, nó thường nhảy chân sáo chạy theo quang gánh của mẹ để đến chợ làng. Có vài người đàn ông trong làng ngỏ ý, nhưng mẹ đều chối từ để dành hết tình thương cho nó.
Cứ thế nó lớn lên từng ngày bằng mớ rau, con cá mẹ chăm cùng tất cả tình yêu thương của mẹ. Bà bao giờ cũng dành cho nó ánh mắt hiền từ và nhẫn nại, bà thay cả vai trò người cha để dạy dỗ nó nên người.
Rồi cũng đến ngày nó rời làng lên thành phố học. Cứ dăm ba bữa nó gọi điện thoại về hỏi thăm mẹ, rồi những cuộc gọi cũng thưa dần, có khi hàng tháng trời nó quên không bấm máy. Khi mẹ gọi đến là lúc nó đang bận làm thêm hoặc đang chơi đùa cùng đám bạn, nên cuộc gọi cũng dừng ngang sau vài ba câu chữ.
Nó hứa mỗi tháng sẽ bắt xe về thăm mẹ một lần, nhưng cái phố phường đô thị cứ thế cuốn theo nó tự bao giờ. Riết rồi một năm nó cũng chỉ về với mẹ được mỗi dịp Tết và vài ba ngày hè. Mùa hè cuối cùng của đời sinh viên, lấy cớ bận làm thêm, nó cũng không về thăm mẹ.
Trong những lần làm thêm ở hội chợ, nó quen Hải, cậu thanh niên thành phố đẹp trai hào hoa và không ngừng buông lời mật ngọt. Một cô gái quê hiền lành, chân chất như nó sớm ngã vào vòng tay Hải chỉ sau dăm ba câu trêu đùa và vài lần đón đưa. Bao nhiêu lời dặn dò của mẹ nó cũng quên sạch, cứ thế đắm chìm vào mối tình với Hải mà bỏ bê chuyện học hành, quên đi người mẹ già vẫn lặng lẽ đợi nghe tiếng con qua chiếc điện thoại cũ mỗi chiều.
Rồi nó có thai. Nó hốt hoảng gọi cho Hải, nhưng Hải lạnh lùng bảo nó bỏ đi, anh chưa đủ vững vàng để lo cho mẹ con nó và trở thành một người bố. Sau vài cuộc điện thoại ngắt quãng, nó cũng không tìm thấy Hải được nữa. Nó hoảng loạn khi chiếc bụng ngày càng lớn, khi kỳ thì tốt nghiệp nó trượt dài với điểm số cực thấp. Nó nghĩ đến mẹ...
Chuyến xe khách đưa nó về đến đầu làng vào một buổi trưa trời nắng cháy. Bước từng bước vội trên con đường làng, nó thoáng thấy hình ảnh mẹ ngày xưa khi gánh nó qua những ngày thơ. Có những hôm tan chợ giữa trưa, mẹ che nghiêng chiếc nón cho nó khỏi nóng, những hôm mưa rào bất chợt, mẹ túm vội miếng ni lông bọc quanh người nó. Nắng chẳng tới vai, mưa chẳng ướt đầu; ngày mưa ngày nắng tuổi thơ nó đều có mẹ, bao tháng năm cuộc đời mẹ chăm sóc cho nó lớn lên. Nhưng nó nào đã làm được gì cho mẹ, dẫu chỉ một ngày?! Bao tủi hổ và hối hận dâng tràn trong lòng nó.
- Ơ, sao không vào nhà mà đứng ngần ra thế hả con? Mau vào hiên cho mát nào!
Mẹ buông vội cái rổ rồi kéo tay nó vào mái hiên tránh cái nóng của trưa hè. Những giọt mồ hôi chảy dài trên trán mẹ khi bà đang tỉ mỉ ngồi chà mớ thịt gà làm chà bông để gửi lên cho nó mỗi tháng. Đã bao lâu rồi nó không nhận ra mắt mẹ đã trũng sâu, gương mặt mẹ đã hằn thêm nhiều nếp nhăn mới, mái tóc đen bóng ngày nào đã điểm thêm nhiều sợi bạc? Từ bao giờ bước chân bà đã khập khiễng chứ không còn vững chãi như xưa? Đã bao lâu rồi nó không gọi hỏi han mẹ? Bao tháng ngày nó không về thăm mẹ? Nó ôm mẹ rồi bật khóc nức nở.
- Cũng đã lỡ dại rồi con à! Có mẹ đây, cứ sinh nó ra đi, cháu mẹ, mẹ nuôi!
Vài năm sau, gần khu chợ làng có một tiệm may nho nhỏ do con Nụ mở ra. Mấy mẹ con nó dọn về sống gần đó. Ngày ngày người ta vẫn thấy đằng sau vườn có một thằng bé con lon ton chạy theo hái rau cùng ngoại rồi mang ra chợ bán! Gấp vội chiếc áo vừa may, con Nụ khẽ nở nụ cười “cảm ơn đời, vì con còn có mẹ”....
“Xin lỗi mẹ tháng năm con khờ dại
Lời mẹ dặn dò con buông bỏ ngoài tai
Khi cơn bão cuộc đời xô con ngã
Chỉ có mẹ hiền dang rộng vòng tay...”
************
Bạn vẫn hay đọc đâu đó rằng “bao lâu rồi bạn không gọi cho mẹ, bao lâu rồi bạn không về thăm mẹ?” Bạn bất chợt nhói lòng khi nghĩ về mẹ, thế nhưng bạn đã làm gì chưa? Mong rằng khi đọc những dòng chữ này, những người con ở xa hãy gọi hỏi han mẹ, nếu có thể thì hãy về thăm mẹ. Bởi trong cuộc đời này, liệu chúng ta còn gặp được mẹ, ở bên mẹ được bao nhiêu lần?
Không cần đi hết cuộc đời này để mới nhận ra mẹ là người yêu thương mình vô điều kiện, là người luôn bao dung và mở rộng vòng tay với bao lỗi lầm mình vấp phải trong cuộc đời này! Ai còn mẹ...hãy nhận ra mình thật là may mắn và phúc phận! Hãy trân trọng, biết ơn cuộc đời, và nhất định phải sống thật tốt, thật có ích để báo đáp công ơn của mẹ, bạn nhé!
Bài viết và hình ảnh: Thiên Hương (Huong Dang)
Casino.com Reviews | Casino.com Casino.com
Trả lờiXóaWe take 광명 출장샵 gambling 군포 출장안마 seriously and our complaints really 구미 출장마사지 get to the heart of it. We do not recommend playing at casinos that have casino gaming 김해 출장샵 Rating: 3 · 영주 출장마사지 7 reviews